
Bà Ngô Kiều Quyên - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang trao Quyết định của UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Hòn Đất đến năm 2040 và tặng hoa cho lãnh đạo huyện Hòn Đất (đồng chí Dương Minh Tâm – Phó Bí thư huyện uỷ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Hòn Đất nhận)
Theo Quyết định số 3072/QĐ-UBND ngày 22 tháng 11 năm 2024 phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch có tổng diện tích tự nhiên là 103.985ha (1.039,85 Km2) bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của huyện và không gian vùng mặt nước ven biển. Toàn bộ ranh giới tự nhiên của 14 đơn vị hành chính gồm 2 thị trấn và 12 xã; Quy mô dân số năm 2022 khoảng 158.883 người, tỷ lệ đô thị hoá 19,8%. Đến năm 2030, quy mô dân số toàn huyện khoảng158.000 - 162.000, tỷ lệ đô thị hoá 46% - 49%. Đến năm 2040 quy mô dân số toàn huyện khoảng 161.000 -167.000 người, tỷ lệ đô thị hoá 50% - 53%.
Chức năng là vùng phát triển đa ngành, lấy công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch và hậu cần kinh tế biển là hướng phát triển ưu tiên. Phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế biển gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch khám phá di tích văn hoá lịch sử, du lịch tâm linh. Là một trong những trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục - đào tạo, dịch vụ, thương mại và du lịch có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Hòn Đất và tỉnh Kiên Giang.
Mô hình phát triển không gian vùng là “Mô hình phát triển đa cực, phân tán”. Vùng huyện Hòn Đất phát triển không gian theo 03 vùng chính gồm: Vùng 1: Vùng Trung tâm – Là vùng kinh tế động lực của huyện gồm: Thị trấn Hòn Đất, xã Thổ Sơn, Nam Thái Sơn, Lình Huỳnh và một phần xã Sơn Bình, Sơn Kiên, Mỹ Thái; diện tích khoảng 381,82 km2, chiếm 36,51% tổng diện tích tự nhiên. Tiềm năng thế mạnh của vùng là trung tâm chính trị, kinh tế, thương mại, dịch vụ, du lịch của huyện, có trục giao thông quốc gia: Tuyến cao tốc, quốc lộ 80, các trục đường tỉnh là hành lang kinh tế động lực của vùng. Vùng 2: Vùng phía Đông – phát triển đô thị, kinh tế biển, du lịch và sản xuất nông lâm nghiệp gồm Thị trấn Sóc Sơn, xã Mỹ Thuận, Mỹ Phước, Mỹ Hiệp Sơn, xã Mỹ Lâm và một phần các xã Mỹ Thái, Sơn Kiên, Sơn Bình với diện tích khoảng 330,48 km2 , chiếm 31,6% tổng diện tích tự nhiên. Tiềm năng thế mạnh của vùng: Phát triển đô thị, thương mại dịch vụ; Phát huy tiềm năng du lịch sinh thái, khám phá cảnh quan rừng, cảnh quan nông Nghiệp; Phát triển sản xuất nông lâm thuỷ sản là vùng nguyên liệu chính torng việc chế biến các sản phẩm nông nghiệp của địa phương; Phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi ứng dụng tiến bộ kỹ thuật; Phát triển kinh tế biển. Vùng 3: Vùng phía Tây - phát triển công nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và sản xuất nông nghiệp gồm toàn bộ ranh giới xã Bình Giang và Bình Sơn với diện tích khoảng 333,54 km2, chiếm 31,89% tổng diện tích tự nhiên.
Về phân bố không gian phát triển nông nghiệp dự kiến chia làm 4 tiểu vùng phát triển gồm: Tiểu vùng 1: phát triển cây hằng năm với diện tích khoảng 590 km vuông trên tổng diện tích đất tự nhiên toàn huyện; Tiểu vùng 2: phát triển cây lâu năm với diện tích 115 km2 ; Tiểu vùng 3: phát triển lâm nghiệp với diện tích khoảng 130 km2 ; Tiểu vùng 4: vùng phát triển nuôi trồng thuỷ sản 75 km2 ; theo đó phân bố không gian phát triển Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp; Phân bố không gian phát triển du lịch; Phân bố không gian phát triển hệ thống hạ tầng xã hội; Tổ chức không gian đô thị và các điểm dân cư nông thôn, định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật…
Việc công bố quyết định phê duyệt Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang đến năm 2040, tỷ lệ 1/25.000 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là cơ sở pháp lý cho công tác chỉ đạo, lập kế hoạch, quản lý đất đai, quản lý đầu tư xây dựng và phát triển trên địa bàn huyện. Đồ án Quy hoạch được phê duyệt góp phần giúp huyện Hòn Đất định hướng phát triển đô thị, khu dân cư nông thôn phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ cảnh quan môi trường hướng tới mục tiêu phát triển ổn định, bền vững. Tạo cơ hội kêu gọi, thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng, thế mạnh của huyện để phát triển toàn diện, bền vững các lĩnh vực kinh tế, xã hội, đô thị và nông thôn trên cơ sở khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế phù hợp với bản sắc văn hoá, phong tục tập quán của địa phương và phù hợp với chủ chương chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Kiên Giang./.